Các cô gái học lễ nghi hoàng tộc ở Đoan Trang viện khi mới nhập cung - Ảnh minh họa |
Như chúng ta đã biết, các vì vua trước Bảo Đại đều có nhiều phi tần, cung nữ nên nhà vua phải cho xây cất "Tam Cung" và "Lục Viện" mới đủ chỗ cho các bà ở, và mỗi bà được cấp một phòng riêng với đầy đủ tiện nghi để ở và thỉnh thoảng vua ngự đến...
Tại sao gọi là Tam Cung?
Tam Cung gồm có ba cung chia ra như sau"
1. Cung Diên Thọ để dành cho các bà Hoàng thái hậu - Thái hoàng thái hậu là các bà vợ của các vua đã băng hà. Cung này toạ lạc trong một khu rộng lớn, có hồ nước và toà nhà dành cho vị Thái giám.
2. Cung Trường Sanh, có nhiều lâu đài, nối liền nhau bằng những hành lang, được xây thành chữ "Vương", vì vậy gọi là Vương Tự điện. Cung này để dành cho những bà vợ của vua tại vị. Như các bà Lệ Thiên vợ vua Tự Đức, bà Từ Minh vợ vua Dực Đức cũng đã ở các cung này một thời.
3. Cung Khôn Thái, được xây ở cạnh điện Càn thành (là chỗ vua ở). Cung này dành cho các bà Hoàng Quý phi ở. Đặc biệt cung này còn có một cái điện chính mang tên là điện Cao Minh "Trung Chính, được cất năm 1804. Ở phía đông có lập một nhà hát để dàn ca, hát xướng, cho vua thưởng lãm, và được gọi là Viện Tịnh quan.
Lục Viện như thế nào?
Lục viện gồm 6 viện, cũng được chia ra các viện như sau:
1. Viện Thuận Huy nằm giữa điện Càn Thành và Cao Minh Trung Chính, Ở phía tây viện Thuận Huy lại có:
2. Viện Đoan Thuận
3. Viện Đoan Hoà
4. Viện Đoan Huy
5. Viện Đoan Tường
6. Viện Đoan Trang. Viện này dành cho các cung nữ mới tuyển vào.
Cung Diên Thọ không kể, còn các Cung, viện khác đều dành cho các cung phi, mỹ nữ của vua đang tại ngôi, tất cả đều ở trong Tử Cấm Thành, ngoài các vị thái giám ra, nơi đây không một người đàn ông nào được bước chân tới.
Phi tần, Cung nữ được tuyển chọn là con gái các quan Đại thần trong Triều, cũng có trường hợp con dân dã nhưng phải sắc nước hương trời. Mới nhập cung, các cô được đưa đến ở trong "Đoan Trang viện" để học cách ăn nói đi đứng theo đúng lễ nghi hoàng tộc.
Kể từ khi được tuyển hay tiến cung, các phi tần cung nữ không được phép gặp người thân dù là cha mẹ. Cũng có một vài trường hợp ngoại lệ vua cho phép, cha mẹ mới được vào Nội thăm con, nhưng cũng chỉ được nói chuyện qua một bức màn sáo che kín, chỉ nghe thấy tiếng mà không nhìn thấy mặt nhau. Cho nên ở Huế người ta nói:" đưa con vô Nội" là coi như mất rồi.
Thái giám dưới triều Nguyễn
Trong "Tam Cung, Lục Viện" còn có các thị nữ để phục dịch cho các phi tần cung nữ, ngoài ra còn có các Thái giám để trông nom, giám sát những người này, Bổn phận của các Thái giám là kiểm soát hành động của các người trong tam cung lục viện, và nhất là ghi chép đầy đủ ngày, giờ khi vua "ngự" đến với bà nào để tránh sự nhầm lẫn khi các bà mang thai.
Thái giám cũng được chia ra làm hai loại: Một loại "Giám sinh" tức là những người bẩm sinh đã phi nam phi nữ, thứ hai là "Giám lặc", tức là người tự lặc (thiến) để được tuyển vào làm Thái giám.
Ngày xưa, thôn xã nào có người sinh ra "Thái giám" thì phải trình làng để tư lên Bộ biết. Bộ sẽ cho đón vào cung nuôi nấng đầy đủ và dạy dỗ theo lễ nghi trong cung, chờ tới khi lớn lên sẽ được đưa vào Nội làm Thái giám. Những đứa trẻ này người ta gọi là ông "Bộ" trong cung. Làng nào may ra có một "Giám sinh" thì coi như có phước, vì khi ông "Bộ" được tiến cung thì thôn xã đó được miễn thuế ba năm do vua ban cho. Vì vậy dân gian thời đó khi ra chợ mua hàng ai nói giá cao, thì người mua sẽ nói:" Mua mắc để ăn đẻ ông Bộ chắc!".
CHIA SẼ BÀI VIẾT
NÀY