Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

VUA CHÚA VIỆT NAM NGÀY XƯA DẠY DỖ CON CÁI NHƯ THẾ NÀO?

Vua Trần Nhân Tông rất giỏi trong việc dạy con

Sách "Việt sử tiểu án" của Ngô Thời Sĩ chép: "Một lần thượng hoàng Trần Nhân Tông từ Thiên Trường về Kinh đô Thăng Long đúng dịp Tết Đoan Ngọ. Thượng hoàng ra lệnh các thái giám, cung nữ không được đón tiếp ồn ào, lặng lẽ đi bộ dạo khắp các cung điện rồi truyền gọi vua Anh Tông tới hầu. Bấy giờ Anh Tông hoàng đế vì uống nhiều rượu Xương Bồ, say quá không tỉnh dậy được. Thượng hoàng giận lắm, lập tức trở về Thiên Trường xuống chiếu cho bách quan tới Thiên Trường để họp bàn việc phế truất ngôi vua. Anh Tông tỉnh dậy, hay chuyện, sợ lắm, vội đi ngay tới Thiên Trường quỳ suốt đêm dưới mưa khẩn thiết tạ tội. Trời sáng, thượng hoàng nguôi giận, gọi Anh Tông vào, mắng rằng:
- Ta hiện còn đây mà con đã hư đốn như thế, nếu ta mất đi thì cơ đồ này sẽ như thế nào? Ta còn con khác có thể nối ngôi gìn giữ nghiệp tổ tông há chỉ có con. Lần này ta tạm tha, nếu con vẫn còn tiếp tục lầm lỗi, đừng trách ta không dung thứ!
Anh Tông cúi đầu run sợ nhận lời giáo huấn của vua cha.

Lại một lần thượng hoàng đích thân kiểm tra cuốn sổ ban huân tước cho các quan của vua Anh Tông, thấy vua ban tước cho nhiều người quá, bèn phê vào sổ mấy chữ: "An hữu nhất quốc như chưởng đại nhi triều ban như thư chi đa!", nghĩ là: "Chỉ có một nước nhỏ như bàn tay sao mà ban phát tước lộc nhiều thế!". Anh Tông xem thấy, cả sợ không dám phóng tay ban phát ân huệ như trước nữa.

Vua Anh Tông dạy con lại càng dữ dội hơn, một lần vua thấy Thái tử Mạnh (tức Minh Tông sau này) nói năng không được nhỏ nhẹ với đám nội thần, đang rửa mặt bèn đổ nước, cầm cả cái thay xán vào mặt thái tử, mắng:
- Ngươi chưa lên ngôi mà đã hống hách như thế, hỏi khi lên ngôi ngươi hách dịch đến chừng nào?
Thái tử vội quỳ nhận tội, từ đó không dám to tiếng với ai, về sau thành một vị vua nổi tiếng hiền hậu.

Sử gia Ngô Sĩ Liên khi ngồi chép sử, đã nhận xét về cách dạy con của hai vua Trần như sau: "Được sự dạy dỗ nghiêm khắc của các vua cha như thế, các vua kế vị đều trở thành những vị minh quan, hiền quân!"

 Các vua chúa triều Nguyễn cũng rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái, vua Minh Mạng một đêm đang ngồi đọc sách, nghe có tiếng trống tuồng từ xa vọng lại, bèn sai thị vệ đi dò tìm, biết tiếng trống đó do hoàng tử Miên Thẩm (sau này là Tuy Lý Vương, một nhà thơ nổi tiếng thời Nguyễn) hát tuồng gây nên. Dù rất thương quý hoàng tử này, nhà vua cũng phạt hoàng tử 2 năm cắt lương bổng, 3 tháng đóng cửa cấm túc không được ra khỏi phòng về tội đang đêm đánh trống gây ồn mà không xin phép.

Bà Từ Dũ mẹ vua Tự Đức cũng rất nghiêm khắc trong việc dạy con, một lần rãnh việc triều chính, vua Tự Đức tổ chức đi săn ở rừng Thuận Trực, vì nghĩ rằng chỉ đi một buổi tối rồi trờ về ngay, vua không xin phép Thái Hậu. Chẳng may đang săn trời đổ mưa lớn, vua và tùy tùng phải trú mưa mãi không về được. Hôm ấy lại sắp đến ngày giỗ vua Thiệu Trị, thái hậu vời vua đến để bàn việc cúng giỗ, không thấy, hỏi ra mới biết là vua đi săn, bà vội sai quan đại thần là Nguyễn Tri Phương đem quân và kiệu, lọng đi đón. Về đến cung, Tự Đức sợ hãi vội tới thẳng cung Gia Thọ tạ tội trước mẹ. Giận con, Thái Hậu Từ Dũ quay mặt vào trong, không nói một lời. Vua Tự Đức tự tay lấy roi, đặt bên Thái Hậu rồi nằm xuống xin được chịu đòn. Im lặng hồi lâu, bà Từ Dũ mới lấy tay hất roi, nói trong nước mắt:
- Chỉ có một mẹ một con, con có đi đâu xa mẹ rất là mong đợi. Sao con không báo cho mẹ hay trước? Thôi, tha cho. Đi chơi để quan quân phải vì mình cực khổ thì phải ban thưởng ngay cho người ta!
Vua Tự Đức mừng rỡ, lạy mẹ tạ lỗi:
-Xin mẹ tha thứ, từ nay con hứa sẽ không như vậy nữa!
Đêm ấy vua thức suốt đêm tại điện Càn Thành, duyệt công ban thưởng cho các quan, quân theo lời mẹ dạy.

Các vua chúa Trung Quốc cũng rất chú ý đến sự dạy con. Sách "Uyên Giám" chép: "Túc Tông nhà Đường khi còn là thái tử, thường vào hầu cơm vua cha là Đường Minh Hoàng, Một lần bếp dân lên món tay dê, ruột dê. Minh Hoàng bảo con thái ra. Thái xong, thái tử lấy bánh bao lau mỡ và thịt dính trên lưỡi dao. Minh Hoàng thấy vậy tưởng thái tử phí, lộ vẻ không vui. Hiểu ý vua cha, thái tử thong thả đưa miếng bánh ấy vào miệng, nhai thật ngon lành. Minh Hoàng bây giờ mới mỉm cười, phán:
- Miếng ăn cần phải quý, tiếc như vậy mới là người đức độ!"

Thái tổ nhà Minh là Chu Nguyên Chương thường bảo các con:
- Người nông phu quanh năm làm lụng vất vả không được nghỉ ngơi, vậy mà chỗ ở chỉ là nhà tranh vách đất, cái mặc chẳng qua là thứ quần vải. áo gai, ăn uống; ăn uống toàn những canh rau, cơm hẩm. Việc kinh doanh, chi phí của nước nhà, đều lấy từ nông dân ra, Các con hưởng sự sung sướng phải luôn nghĩ tới công sức của người nông phu, cố mà tiết kiệm, không được phung phí!

Vua Thuận Trị nhà Thanh đã từng viết 2 câu đối:
- Lập thân dĩ chí thành vi bản (Đạo lập thân gốc ở lòng chí thành)
- Độc thư di minh lý vi tiên (Phép đọc sách cốt ở hiếu nghĩa) dán ở phòng học của con để nhắc nhở.

Vua Đạo Quang nhà Thanh, một lần thấy hoàng tử Dịch Tôn hỗn với thầy học là Từ Hồng Lục, nổi giận đá Tôn một đá ngã lăn dưới đất rồi gọi lính đem roi tới đưa Từ học sĩ bảo đánh 10 roi cật lực vào mông của Tôn. Từ xin được miễn, vua phán:
 - Không được, quân-sư-phụ vốn là 3 giềng mối lớn, nay nó hỗn láo với thầy tất cũng coi vua và cha không ra gì nữa. Một kẻ đã vô quân, vô sư, vô phụ thì đâu xứng đáng làm người? Lẽ ra phải giết bỏ đi mới phải, đánh vẫn còn là quá nhẹ!
Đoạn tự tay ấn đầu Tôn xuống, bắt Từ học sĩ đánh đủ 10 roi thật mạnh mới chịu. Việc các vua chúa phong kiến dạy con, rèn giũa thế hệ kế tục quả đáng để cho chúng ta ngày nay suy nghĩ.

 Hùng Chương
CHIA SẼ BÀI VIẾT Ý NGHĨA NÀY

0 nhận xét:

Đăng nhận xét